KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ GỖ LŨA

Gỗ lũa là phần lõi cây cứng nhất còn sót lại của các gốc cổ thụ khô sau khi cây bị chết. Là phần gốc, lại là lõi nên gỗ lũa rất cứng và không bao giờ bị mối mọt, mục nát và các tác động của nắng, mưa, côn trùng hay dòng chảy cuả nước…

Gỗ lũa thường chỉ có ở những loài cây gỗ tốt, quý hiếm hoặc những loài sống lâu năm cằn cỗi trên các khu vực đất nghèo dinh dưỡng, Chính vì vậy, lũa tìm được ở đâu không quan trọng, vấn đề chính là ở chỗ chất lượng của chính cục lũa đó.

 

Với trí tuệ sáng tạo và bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, gỗ lũa có thể được điêu khắc, đục chạm đã làm nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Ngoài ra người ta còn kết hợp gỗ lũa để trang trí hòn non bộ hay dùng tạo bố cục cho hồ thủy sinh.

Có thể nói, gỗ lũa nghệ thuật có nét tương đồng với điêu khắc, tạc tượng, song nó phong phú, đa dạng hơn nhiều. Dựa trên những hình dạng, đường nét tự nhiên của cành cây, gốc cây, người nghệ nhân phải có tay nghề thợ mộc, sau đó là óc thẩm mỹ và mắt nhìn của người điêu khắc, thêm bớt chi tiết cho tác phẩm sinh động, có hồn. Có được sự điều chỉnh của bàn tay con người, gỗ lũa có cuộc đời thứ hai bền chắc và có ý nghĩa hơn, bởi lẽ, nó mang nặng sự gửi gắm tình cảm, hoài niệm, trí tưởng tượng và tình yêu bền vững.

Vẻ đẹp của lũa không bao giờ lặp lại. Hình thù của nó độc nhất vô nhị. Có một đồ lũa này không thể đi tìm thấy cái thứ hai giống thế. Nét độc đáo không có phiên bản ấy làm cho nó thấm đẫm chất nghệ thuật. Thiên nhiên tạo ra gỗ lũa là thổi vào nó một cuộc sống dài lâu, bất tận.

Trước tiên, để có được gỗ lũa, người ta phải đi tìm các gốc cây cổ thụ tốt, chất gỗ quý hiếm. Khi tìm được gốc cổ thụ rồi, người có kinh nghiệm phải nhận biết được gốc cây đó là loại gỗ gì. Xác định xong, đánh dấu địa điểm, rồi phải đợi khi trời có mưa, ngấm nước, đất mềm ra thì người ta mới đào. Công việc đào gốc này cần phải có nhiều kinh nghiệm vì nếu không kiên trì, cứ chặt hết những chiếc rễ cây ăn quanh co vào đá thì coi như hỏng.

Chính những chiếc rễ ấy lại rất cần cho các chi tiết trong tác phẩm tạo hình gỗ lũa. Gỗ lũa có 3 loại: lũa nằm sâu trong lòng đất, lũa chìm trong bùn nước và lũa được tạo thành từ mưa, gió. Loại thứ 3 thường được khách yêu thích nhất vì trải qua thời gian, hình dạng lũa trở nên bền chắc và có nhiều hình dáng độc đáo hơn. Tuy nhiên dù là loại nào giá của gốc gỗ lũa thì cũng vô giá.

Có gốc vài trăm ngàn, nhưng cũng có loại lên tới hàng triệu đồng. Mỗi loại lũa lại có đặc điểm riêng: lũa dưới đất giữ nguyên màu gỗ nguyên thủy; lũa ngâm trong bùn có màu như mun, như sừng; lũa phơi trước gió là loại quý hiếm nhất vì có những đường vân sóng rất đẹp. Tất nhiên, không phải loại gỗ nào cũng hình thành được lũa. Lũa được tạo thành bởi những loại gỗ quý như đinh, trai, nghiến hoặc những loại gỗ chứa dầu thơm như giáng hương, đinh hương, gù hương. Nhiều người chơi lũa ví nó như trầm hương vì giá trị cao của nó và việc tìm kiếm cũng khó khăn khôn lường. Sau khi có nguyên liệu, với những gốc còn tươi phải phơi khô, bớt nhựa chừng 1 – 2 tháng rồi gọt bỏ phần vỏ ngoài và phần mềm sát vỏ, chỉ lấy phần lõi cây, để làm lũa.

Quá trình hình thành ý tưởng đòi hỏi người thợ phải cân nhắc, suy ngẫm để lựa chọn hình dáng, thế lũa. Gỗ lũa rất cứng, từng nhát dao, đường khắc của nghệ nhân là một sự kiên nhẫn, tỉ mẩn gọt giũa, có khi phải mất mấy ngày trời chỉ để chuốt một cái đuôi rắn đang cuốn vào thân cây hay hình một đám mây trôi… Làm lũa gỗ không giống như sản xuất đồ gỗ thông thường. Mỗi sản phẩm là một tác phẩm đơn chiếc, có thời gian và cách thức khác nhau, hầu hết làm bằng phương pháp thủ công, không dùng máy móc để sản xuất hàng loạt được. Người làm gỗ lũa ngoài trí tưởng tượng, khiếu tạo hình, còn cần có đôi bàn tay khéo léo để biến ý tưởng thành hiện thực. Chính vì vậy, giá thành sản phẩm không phụ thuộc vào kích cỡ mà ở giá trị nghệ thuật, sự kết tinh từ bàn tay, khối óc con người.